Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

Ở đảo Phú Quý (Bình Thuận), nam nữ ưng nhau không cần tổ chức cưới hỏi, chỉ thông qua thủ tục nói chừng (dạm ngõ) của cha mẹ hai bên là có thể nên nghĩa vợ chồng.
Phú Quý cách thành phố Phan Thiết 56 hải lý (105 km). Đến đây, du khách không chỉ được tận hưởng sắc vàng rực rỡ quanh năm cùng biển nước mênh mông, mà còn được tìm hiểu về tập tục sống kỳ lạ của ngư dân trên đảo.
Tương truyền ngày xưa có một chiếc ghe ngư dân từ đảo Lý Sơn đánh cá trên biển, không may gặp luồng cá Chuồn bơi ngược. Đàn cá đông đúc lên đến hàng triệu con cứ thế lao thẳng làm cho những chiếc ghe bị thủng và chìm dần. Sóng biển đã đưa những ngư dân trôi dạt vào hòn đảo nhỏ này, từ đó họ định cư tại đây.
Dân đảo có tập tục đặc biệt là từ xưa đến nay không tổ chức đám cưới rình rang. Nếu để ý nhớ nhung một cô gái nào đó, người con trai không cần mai mối như các nơi khác. Chàng trai chỉ cần nói với cha mẹ hoặc người thân để khi nhà gái có tiệc tùng, đám giỗ nhà trai sẵn dịp sang ăn cỗ và “đánh tiếng” ngư dân trên đảo gọi là “nói chừng”.
Nếu nhà gái đồng ý thì ngay sau đó chàng trai có thể đến nhà gái để ngủ qua đêm. Không cần nghi thức, nghi lễ cưới xin hay thách cưới gì cả. Với những gia đình có con gái thì thường sẽ có một căn buồng riêng. Ban ngày chàng trai đi biển cho gia đình mình tối về sẽ ngủ trong căn buồng nhà gái. Trong thời gian ngủ bên nhà gái nếu có xảy ra mâu thuẫn hay rạn nứt trong tình yêu thì hai bạn trẻ có thể chia tay mà không cần phải hòa giải hoặc ly hôn. Tục nói chừng là điều kiện tiên quyết để hai bạn trẻ qua lại với nhau và thành vợ thành chồng mà không cần thông qua bất kỳ hình thức nào.
Trong quá trình sinh sống và ngủ chung của đôi bạn trẻ nếu cô gái sinh được con và đặc biệt là con trai thì cô gái mới chính thức trở thành thành viên của gia đình nhà trai. Đó là một tập tục và cũng là điều kiện bắt buộc để cô gái về nhà chồng, nếu không hai bạn trẻ cứ sống với nhau qua lại đến khi nào “kết thúc” mà không có điều tiếng hay sự dị nghị của hàng xóm láng giềng hay cư dân trong đảo.
Khi cô gái sinh được con trai, nhà trai nhân dịp đám giỗ hay tiệc tùng linh đình... sẽ nhân đó xin phép rước cô dâu, cháu nội về nhà sinh sống và được chính thức kết nạp thành thành viên của gia đình. “Nói chừng” trở thành tập tục độc đáo của người dân nơi đây thể hiện lối sống cộng đồng chân chất, ngay thẳng, mộc mạc.
Ngày nay, tập tục này đã mai một theo thời gian và chịu ảnh hưởng bởi phong cách cưới hỏi ở đất liền. Đồng thời nhiều cặp vợ chồng đã được vận động đăng ký kết hôn dù trong gia đình vẫn duy trì tập tục này như một nét văn hóa riêng.
Đảo Phú Quý được tạo hóa ban tặng nhiều nét đẹp đặc trưng độc đáo như ghềnh đá, vịnh hoang sơ, nước biển xanh trong vắt có thể nhìn xuyên qua làn nước 5-7m. Nhìn từ xa theo hướng Bắc, đảo có hình thù như một con cá thu nổi lênh đênh trên biển nên từ xa xưa đảo Phú Quý còn có tên gọi là “Cù Lao Thu”.
Đến Phú Quý du khách có thể khám phá vịnh biển Triều Dương hoang sơ, tham quan núi Cao Cát với cảnh quan hùng vĩ bởi các tầng núi đá dựng đứng, căng lồng ngực để hít thở bầu không khí trong lành và dõi mắt ra vùng biển bao la của Tổ quốc thân yêu.
Để tắm biển du khách có thể đến những bãi tắm hoang sơ như Doi Dừa, bãi Nhỏ Gành Hang, bãi dọc Cá Doi. Với hơn 10 đảo lớn nhỏ du khách có thể dạo quanh để tìm hiểu về những vẻ đẹp thuần khiết mà tạo hóa ban tặng hay tìm hiểu lối sống giản dị mộc mạc của cư dân trên đảo như Hòn Tranh, Hòn Trứng, Hòn Đỏ, Hòn Đen…
Được thiên nhiên ưu đãi với những sản vật quý hiếm, du khách có thể thoải mái thưởng thức những vật phẩm ngon độc đáo nơi đây như hải sâm, da cá mú bông, cua huỳnh đế, ốc vú nàng, cá mú đỏ, rau cau chân vịt… Đặc biệt có cua mặt trăng được xem là đặc sản quý hiếm của đảo. Đến đây vào đúng thời điểm bạn sẽ được thưởng thức món cua mặt trăng tươi ngon mà không nơi nào có được.

Chi tiết vui lòng liên hệ:
Công ty Du lịch Đặc Trưng Việt
Điện thọai: (+84) 974 861 652
Yahoo: vietnamtypicaltours | Skype: vietnamtypicaltours
Email: vietnamtypicaltour@gmail.com
Qua 9 năm tổ chức, Lễ hội Trái cây Nam bộ đã trở thành sự kiện văn hóa du lịch thường niên của TP. Hồ Chí Minh được chờ đón nhất vào mỗi dịp hè. Đây cũng là hoạt động đặc sắc phản ánh và tôn vinh những thành quả lao động trong lĩnh vực nông nghiệp của người dân khu vực Nam bộ nói riêng và Việt Nam nói chung, đồng thời góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh điểm đến TP. Hồ Chí Minh với du khách trong nước và quốc tế. 
Lễ hội Trái cây Nam bộ 2014 dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 1/6/2014 tại Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên (Số 120, Xa lộ Hà Nội, Quận 9, TP. Hồ Chí Minh) và kéo dài đến hết ngày 8/6/2014, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp thương mại du lịch, các đơn vị xuất nhập khẩu nông sản, các nhà vườn, nghệ nhân làm vườn đến từ 21 tỉnh, thành thuộc khu vực Nam bộ và lân cận, đặc biệt là cơ quan Lãnh sự các nước tại TP. Hồ Chí Minh như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Lào, Myanma, Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia….
Đến với lễ hội, du khách sẽ có dịp tham gia Chợ trái cây và các sản phẩm làng nghề với khoảng 50 gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán các loại trái cây đặc sản của các địa phương như: bưởi năm roi Hoàng Gia (Vĩnh Long); thanh long Hoàng Hậu (Long An); vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang); sầu riêng Cái Mơn (Bến Tre); vú sữa Sa Đéc, xoài cát Hoà Lộc (Đồng Tháp); nhãn xuồng, ổi không hạt Vĩnh Kim, cam mật Vĩnh Kim (Tiền Giang); măng cụt Lái Thiêu, dâu siêm (Bình Dương); đu đủ (Bình Phước); bưởi Tân Triều Biên Hoà, mít đỏ giống Vacdona Long Thành, cam lai Vĩnh Cửu (Đồng Nai); đào Sa Pa (Lào Cai); mận (Lạng Sơn); mãng cầu na (Tây Ninh); dưa Hoàng Kim (Hậu Giang)....
Tại Lễ hội Trái cây Nam bộ năm nay, Sở VHTTDL TP. HCM sẽ tiếp tục phối hợp với Công ty cổ phần Du lịch Văn hóa Suối Tiên tổ chức Hội thi trái ngon – an toàn Nam bộ lần thứ 5 với sự tham gia của các nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp thuộc 21 tỉnh, thành Nam bộ. Đây là hoạt động nhằm khuyến khích nhà vườn trồng và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như lai tạo giống mới có chất lượng tốt; tôn vinh những loại trái cây ngon, an toàn do chính bà con nông dân kỳ công chăm sóc; đồng thời cũng là cơ hội để tìm kiếm và phát hiện những giống trái cây lạ, góp phần đa dạng hóa trái cây Nam bộ. Trong khuôn khổ hội thi, ngoài 2 phần chính là thi Trái ngon – an toàn và Triển lãm củ - quả lạ, hiếm còn diễn ra hội thảo “Giao lưu, kết nối cung cầu nhằm xây dựng kênh tiêu thụ trái cây Nam bộ”, đố vui nhà nông, quay số trúng thưởng…
Bên cạnh đó, lễ hội còn thu hút du khách bởi nhiều chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật trong và ngoài nước về chủ đề trái cây (diễu hành thời trang trái cây, lễ hội carnival trái cây với tên gọi “Tứ linh bách quả thần tiên hội”, nghệ thuật tạo hình bằng trái cây); chương trình sân khấu hóa các sự tích về trái cây; giới thiệu và bán các món ăn, thức uống chế biến từ trái cây (cocktail, chè, bánh, nước ép trái cây…); trưng bày và triển lãm hoa sen các loài; các trò chơi dân gian vui nhộn (thi đá cá, đá dế, thảy vòng kiếng, thả banh vào ô chữ, ném lon…), đặc biệt là chương trình biểu diễn đờn ca tài tử nhằm giới thiệu và vinh danh loại hình nghệ thuật độc đáo vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Chi tiết vui lòng liên hệ:
Công ty Du lịch Đặc Trưng Việt
Điện thọai: (+84) 974 861 652
Yahoo: vietnamtypicaltours | Skype: vietnamtypicaltours
Email: vietnamtypicaltour@gmail.com